Nâng tầm lan tỏa cho dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Thứ hai - 16/08/2021 05:49 0

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) làm các thủ tục cần thiết gửi hồ sơ “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc

Theo quyết định mới của UNESCO, mỗi năm một nước chỉ được trình 1 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2012, Việt Nam có hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); năm 2013 là hồ sơ Đờn ca tài tử và đang chờ kết quả từ UNESCO trong cuối năm nay. Vì thế, hồ sơ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ trình UNESCO xét duyệt là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2014.

Cần phải nhắc lại, cuối tháng 6/2012, để góp phần gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh và phát triển những giá trị bền vững của loại hình nghệ thuật dân ca ví, giặm, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã từng phối hợp tổ chức “Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ lần thứ nhất năm 2012” với chủ đề “Dâng Người câu hát dân ca”. Đây là bước quan trọng và là tiền đề để các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp có thêm niềm tin, căn cứ để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Không biết chính xác dân ca ví, giặm có từ bao giờ, chỉ biết rằng điệu hát này xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi mới xuất hiện, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh còn thô sơ, mộc mạc, giản dị nhưng sau đó theo thời gian loại hình này đã phát triển lên tầm cao mới với bố cục chặt chẽ, câu từ trau chuốt, vần điệu chắt lọc để hấp dẫn và làm say đắm lòng người nghe.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay và mỗi loại hình lại mang những đặc trưng riêng. Bởi thế, dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản tinh thần vô giá, đã thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ, đời sống người dân của 2 tỉnh miền Trung này.

Môi trường diễn xướng của hát ví Nghệ Tĩnh rất đặc biệt, không cần phải chờ đến mùa vụ, hay hội hè mà vừa lao động vừa ca hát. Những năm gần đây, ví giặm mới được đưa lên sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn của đất nước. Hát ví chỉ giới hạn trong đối đáp, giao duyên. Trai thanh, gái lịch hát đối đáp với nhau, hát vọng từ ngoài đường vào nhà, từ trong nhà với ra, hay cũng có thể là từ trên sông vọng lên bờ...

Do hát ví gắn liền với lao động, nên mỗi một loại hát ví lại gắn với một loại hình lao động riêng biệt như: hát ví của những người đi cấy thì gọi là ví phường cấy, hát ví của những người đi củi thì gọi là ví phường củi, hát ví của những người dệt vải thì gọi là ví phường vải...

Theo điều tra, kiểm kê của UBND tỉnh Nghệ An thì hiện nay trên toàn tỉnh có 52 Câu lạc bộ đàn và hát dân ca ví, giặm với khoảng hơn 2.000 thành viên, trong đó có 8 người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Hát ví Nghệ Tĩnh đa dạng về thể loại, mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc lao động đều được ghép tên theo hát ví và những người lao động chính là những người sáng tạo ra hát ví. Nhưng dựa theo tính chất kết cấu trong âm nhạc cũng như cách gọi tên các lối ví trong nhân dân, ta có thể chia hát ví thành hai hình thức:

Ví phường vải (hay còn gọi là giọng phường vải) và ví đò đưa (hay còn gọi là giọng đò đưa). Ví phường vải thuộc dạng 5 âm trong hệ thống điệu thức nam xuân, vừa tình tứ lại lửng lơ, bay bổng, không nghiêng về màu sắc của điệu trưởng (Bắc) mà cũng không nghiêng về điệu thứ (Nam).

Ví đò đưa thuộc dạng 5 âm trong hệ thống điệu thức Nam ai, tạo được tính chất nhẹ nhàng, bâng khuâng, lại thêm chút vương buồn sâu lắng, có thế ổn định, nghiêng về màu sắc của điệu thứ (Nam). Cùng là một câu thơ lục bát nhưng ví đò đưa hát khác mà ví phường vải hát khác.

Ví phường vải là lối hát bắt nguồn từ nghề trồng bông, nuôi tằm, dệt lụa. Còn ví đò đưa là lối hát bắt nguồn từ sông nước. Người hát thường là những trai bạn chèo chống trên thuyền xuôi ngược dọc sông, hoặc các phường buôn, phường nón... Họ cho hai thuyền đi song song, có khi ghép hai thuyền lại cùng xuôi, cùng ngược và hát với nhau thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, giọng ví phường vải không chỉ hát trên cạn, trên làng và giọng đò đưa không chỉ hát dưới sông, dưới thuyền mà trong hát phường vải có giọng đò đưa, trong ví đò đưa có giọng phường vải.

Như vậy, việc trình hồ sơ “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” lên UNESCO để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, được xem là hành động kịp thời và cần thiết để vinh danh loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đồng thời thúc đẩy công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét sinh hoạt văn hoá lành mạnh, mang đầy tính nhân văn trong đời sống nông nghiệp ở nông thôn nước ta, góp phần không nhỏ tạo nên sắc thái văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh Quỳnh Phạm

 

Tác giả bài viết: Trần Hải Yến

Nguồn tin: napc.vn

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây