Khởi động du lịch hấp dẫn an toàn

Thứ tư - 18/08/2021 00:00 0
Du khách vui chơi ở chợ đêm Phú Quốc vào tháng 7.2020

Hồi sinh ngoài mong đợi

Dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng vào giữa mùa cao điểm, khi tốc độ phục hồi của ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng khiến toàn thị trường suy sụp. Chỉ 5/62 tỉnh, thành tại Việt Nam ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng hoạt động du lịch, dịch vụ tại hầu hết các địa phương đều co lại. Lỡ mất giai đoạn “vàng” cao điểm tháng 8, cơ hội để ngành du lịch phục hồi như kỳ vọng gần như bằng 0.

Nên có chính sách kích cầu thông qua người tiêu dùng bằng cách trợ giá thẳng vào mỗi dịch vụ mà khách du lịch sử dụng. Nhà nước tài trợ tiền để người dân mua vé máy bay, ở khách sạn hoặc mua tour...

Thế nhưng, kỳ nghỉ lễ 2.9 bất ngờ hâm nóng lại thị trường du lịch khi rất nhiều điểm du lịch đông khách, các khách sạn, resort hạng sang cũng kín phòng. Với chủ trương không “bế quan tỏa cảng” tất cả các địa phương như đợt dịch đầu, những kế sách dập dịch linh hoạt trong đợt 2 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho nhiều địa phương an toàn có cơ hội tiếp tục đón khách, tránh khỏi sự đứt gãy kéo dài trong chuỗi dịch vụ, du lịch, kinh tế.

Theo khảo sát của một doanh nghiệp (DN) du lịch, sau cao điểm dịch đợt 2, tỷ lệ khách đặt phòng khách sạn tại Phú Quốc đã vượt qua cả Phú Yên và Quy Nhơn. Chỉ riêng khách sạn 3 và 4 sao ở Phú Quốc có kênh OTA (đại lý trực tuyến như các web đặt chỗ Booking.com, Agoda, Traveloka...) và TA (nhận khách từ các công ty lữ hành) mà DN này quản lý đã hết phòng từ 3 ngày trước lễ.

 

Sau Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Phú Yên, Quy Nhơn, TP.HCM và các tuyến miền Tây cũng ghi nhận rất nhiều khách đặt phòng nghỉ dưỡng. Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, các công ty du lịch đang thoi thóp cũng đã linh hoạt thay đổi sản phẩm phù hợp, hy vọng nắm bắt cơ hội tạo đà để tiếp tục các hoạt động kinh doanh mùa thu, đồng thời là bước chuyển tiếp thuận lợi cho mùa đông xuân sắp đến.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, thông tin tính đến thời điểm hiện nay, lượng khách trở lại sau khi đợt 2 dịch Covid-19 được khống chế đang tăng dần. Số lượng khách trong tháng 9 của DN này đạt trên 900 khách, bao gồm tour đoàn DN, nhóm khách gia đình đi tour riêng và tour theo lịch khởi hành định sẵn. Tuy không sôi động như mùa hè, nhưng lấy mốc khởi động thị trường là dịp nghỉ lễ 2.9 cho thấy tâm lý khách khá ổn định. Các điểm đến phía nam được du khách ưu tiên chọn nhiều hơn, trong đó bao gồm: Côn Đảo, Phú Quốc, Long Hải, Cai Lậy - Tiền Giang, Cần Đước - Long An, Bảo Lộc - Lâm Đồng. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 9, du khách đi tour Pù Luông - Thanh Hóa, Ninh Bình, Tây Bắc rất đông, vì đây là thời điểm mùa lúa chín rất đặc sắc ở các tỉnh vùng cao phía tây bắc. Dự kiến số lượng khách trong tháng 10 sẽ tăng lên khoảng 2.000 khách và tiếp tục duy trì vào tháng 11 với số lượng trên 1.500 khách.

Công ty Vietravel cũng thông tin từ cuối tháng 8 đến nay, trung bình mỗi tuần công ty có 2 - 3 đoàn khách khởi hành. Dự kiến trong tháng 9 và tháng 10, Vietravel phục vụ khoảng 10.000 lượt khách với khoảng 60 đoàn (gần 4.000 khách) trong tháng 9 và khoảng 80 đoàn (6.000 khách) trong tháng 10. Điểm đến được đa số công ty chọn tổ chức là Vũng Tàu, Côn Đảo, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc và những địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc...

Dồn sức kích cầu thị trường nội địa

Nhận thấy thị trường có nhiều tín hiệu khả quan, mới đây Bộ VH-TT-DL đã ban hành Công văn số 3455 phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020.

Chương trình kích cầu du lịch lần 2 vẫn tập trung chủ yếu khôi phục thị trường nội địa, nhằm vào đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Theo đó, các hoạt động kích cầu du lịch được đề nghị hướng theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

Các địa phương, DN có thể chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của điểm đến. Bộ VH-TT-DL yêu cầu lãnh đạo các địa phương, DN thực hiện phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở liên minh kích cầu giai đoạn trước; khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE... Bên cạnh đó, xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.

Thực tế, trước đó, rất nhiều địa phương đã chủ động “chạy” trước các chương trình kích cầu, thu hút du khách sau dịch.

Cụ thể, từ 9.9 - 31.12, tỉnh Quảng Ninh giảm 50% giá vé vào điểm tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long, vé tham quan vào các điểm Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử; giảm 100% giá vé vào điểm lưu trú trên vịnh Hạ Long vào các ngày: 20.10, 12.11, 20.11 và 22.12. Tương tự, tỉnh Lào Cai cũng quyết định miễn, giảm phí tham quan các điểm du lịch đến hết năm 2020.

Tại TP.HCM, Sở Du lịch cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến một số sở, ngành liên quan nhằm thảo luận một số giải pháp, trong đó có rà soát, tham mưu chính sách hỗ trợ phí vé tham quan tại các điểm tham quan trên địa bàn. Từ đó, báo cáo UBND TP kiến nghị, đề xuất Chính phủ, HĐND TP hỗ trợ DN gặp khó do dịch bệnh theo gói hỗ trợ thứ hai của TP đang xúc tiến. Đồng thời, Sở Du lịch TP cũng đang lấy ý kiến Sở VH-TT-DL và 5 điểm tham quan gồm Bảo tàng TP, Bảo tàng Lịch sử TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Khu di tích địa đạo Củ Chi về chính sách miễn phí vé tham quan để kích cầu du lịch, cũng như chính sách hỗ trợ từ kinh phí của nhà nước để các điểm tham quan này bảo đảm hoạt động từ nay đến cuối năm 2020.

Ngay sau khi kết thúc đợt dịch Covid-19, chiến dịch kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với hàng loạt các chương trình khuyến mãi “khủng” đã được triển khai đồng loạt, mạnh mẽ, giúp hàng không, du lịch “phá băng” sau thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội. Chỉ trong 1 tháng, lượng khách du lịch đến các địa phương tăng vọt từ 50 - 80%. Thị trường du lịch nội địa bật dậy mạnh mẽ đã phần nào tiếp thêm “ô xy”, đưa các DN hàng không, lữ hành, nhà hàng, khách sạn... vượt qua cơn khó khăn.

Thế nhưng, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), nhận định nhu cầu thị trường sau làn sóng Covid-19 thứ 2 đã thay đổi rất nhiều. Giảm giá khủng không còn là yếu tố tiên quyết có thể mời gọi được người dân đi du lịch với làn sóng lớn. Du lịch quốc tế gần như chưa mở cửa, thị trường nội địa chưa thật sự ổn định vì vẫn còn tiềm tàng nguy cơ dịch bệnh. Covid-19 có thể bùng phát trở lại bất kỳ chỗ nào, thời điểm nào như trường hợp ở Đà Nẵng vừa qua. Do đó, người dân còn rất thận trọng và e dè. Nhu cầu không cao, nếu yêu cầu các DN du lịch hoặc hàng không vốn đang thoi thóp tiếp tục kéo dài chương trình khuyến mãi, giảm giá quá mạnh thì sẽ không đủ chi phí trang trải, rất dễ đẩy DN đến tình trạng không làm thì lỗ, càng làm càng lỗ.

“Do đó, nên có chính sách kích cầu thông qua người tiêu dùng bằng cách trợ giá thẳng vào mỗi dịch vụ mà khách du lịch sử dụng. Nhà nước tài trợ tiền để người dân mua vé máy bay, ở khách sạn hoặc mua tour... Chính sách kích cầu này đang rất có hiệu quả ở Thái Lan. Làm như vậy, vừa đạt được mục tiêu kích cầu, vừa tránh được tình trạng giảm giá vô tội vạ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đợt 3 và tránh đẩy DN vào tình trạng thêm kiệt quệ, rủi ro, mạo hiểm”, ông Lương Hoài Nam đề xuất.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Minh Mẫn cùng quan ngại: Điều các DN du lịch lo ngại nhất lúc này là sức mua giảm sút. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần tập trung kích thích nhu cầu tiêu dùng, tăng cường công tác truyền thông để giải tỏa tâm lý cho du khách.

Tác giả bài viết: Trần Hải Yến

Nguồn tin: napc.vn

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây