Việt Nam nhập siêu gần 1,5 tỷ USD nửa đầu năm

Thứ ba - 17/08/2021 09:17 0

Theo báo cáo tháng 6 và 6 tháng của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 6 đạt 26,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 27,5 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu tháng thứ hai liên tiếp, đạt 1 tỷ USD trong tháng 6.

Luỹ kế nửa đầu năm, cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu, đạt 1,47 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 5,86 tỷ USD. Sự đảo chiều này có phần lớn "công" góp từ các doanh nghiệp trong nước khi họ nhập siêu hơn 15 tỷ USD trong 6 tháng, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,64 tỷ USD.
Việc mở rộng sản xuất sau ba đợt dịch Covid-19 trước đây đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là lý do được Bộ Công Thương đưa ra để giải thích hiện tượng nhập siêu nửa đầu năm nay.
Bộ này lập luận, chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm, trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm.
Tin rằng nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, nhất là với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản..., Bộ Công Thương dự báo cán cân thương mại sẽ cải thiện.
cang cat lai quynh tran jpeg 7030 1625478994

Cảng Cát Lái (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Cũng theo cơ quan này, xuất khẩu 6 tháng qua duy trì đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020, đồng đều ở các ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, da giày, máy móc thiết bị, thuỷ sản... và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU...
Chẳng hạn, xuất khẩu điện thoại, linh kiện đạt kim ngạch 25,1 tỷ USD trong 6 tháng, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng hơn 14% so với cùng kỳ.
Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cũng tăng trên 63%, đạt 17 tỷ USD; dệt và may mặc đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%; giày dép tăng gần 28% với 10,4 tỷ USD...
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với trên 45 tỷ USD hàng hoá xuất sang nước này, tăng hơn 43% so với cùng kỳ 2020. Kế đến là Trung Quốc đạt 24,6 tỷ USD, tăng trên 25%; thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%...
Chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, gần 54 tỷ USD, tăng xấp xỉ 53,6% so với cùng kỳ 2020. Nhập khẩu từ Hàn Quốc hơn 25,2 tỷ USD, tăng 21,6%; thị trường ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 49%...
Triển vọng xuất nhập khẩu nửa cuối năm được dự báo tiếp tục khởi sắcnhờ các FTA và giá hàng hoá xuất khẩu tăng. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Nhưng xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực bởi đợt dịch thứ tư bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực sản xuất hàng hóa, có quy mô xuất nhập khẩu lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM, Đồng Nai hay Bình Dương... Còn thị trường thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan.

Tác giả bài viết: Trần Hải Yến

Nguồn tin: napc.vn

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây