‘Quân bài’ giúp Việt Nam có thể vượt Ấn Độ, trở thành ‘con hổ châu Á’ tiếp theo sau Trung Quốc

Thứ ba - 17/08/2021 05:26 0

Trang EurAsian Times mới đây có bài viết nhận định về thành công của Việt Nam trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Theo bài báo, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng các công ty rút khỏi Trung Quốc và chuyển sản xuất sang các nơi khác ở châu Á.

‘Quân bài’ giúp Việt Nam có thể vượt Ấn Độ, trở thành ‘con hổ châu Á’ tiếp theo sau Trung Quốc
Ảnh chụp màn hình bài viết trên Eurasian Times.

Ấn Độ đã hy vọng và sẵn sàng chào đón hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như New Delhi mong đợi.

Dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài do Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ công bố trong quý đầu tiên cho thấy mức giảm 56% so với năm 2019. Trong khi vốn FDI năm 2019 là 16 tỷ 330 triệu USD thì năm 2020 giảm chỉ còn 6 tỷ 562 triệu USD.

Trong khi đó, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong cuộc đua trở thành con hổ châu Á, FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% GDP, đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào, theo chiến lược gia Ruchir Sharma của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ và công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley, dẫn từ báo Livemint.

Số liệu kinh tế gần đây của Việt Nam cho thấy xuất khẩu tăng 18%, xuất khẩu máy tính/linh kiện tăng 26% và xuất khẩu máy móc/phụ kiện tăng 63%.

Trong vài tuần qua, bằng chứng từ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh đã chứng tỏ có một cuộc chạy đua trở thành công xưởng của thế giới, sau Trung Quốc. Để làm cho các quốc gia trở nên hấp dẫn hơn, trong khi Ấn Độ và Indonesia đã thúc đẩy cải cách luật lao động, Bangladesh được cho là đang đàm phán 17 hiệp định tự do và ưu đãi thương mại.

Thực tế cho thấy, thành công kinh tế của các quốc gia như Trung Quốc và Singapore một phần là nhờ vào nguồn vốn FDI. Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng vốn FDI từ 11,15 tỷ USD năm 1992 lên mức cao nhất là 290 tỷ USD vào năm 2013. Chính từ đây, chi phí lao động cao hơn ở nước này bắt đầu khiến các nhà đầu tư tìm các nơi khác ở châu Á.

 

 

 

Theo bài báo, các chính sách đầu tư thân thiện, các khu công nghiệp, nguồn cung lao động trẻ dồi dào (60% dân số) đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Năm 2019, FDI vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 16,12 tỷ USD.

Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang "vững vàng" vì Chính phủ đã áp dụng các biện pháp miễn thuế, giãn nộp thuế và tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, sửa đổi luật đầu tư và đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo EVFTA, từ 1/8, EU dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, cắt giảm dần phần còn lại trong vòng 7 năm tới, trong khi vốn FDI trị giá trên 12 tỷ USD được đăng ký từ tháng 1 đến tháng 4.

Các quốc gia như Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đã trải qua những biến động chính trị và bất ổn trong những năm gần đây, nhưng họ phải hiểu tầm quan trọng của sự ổn định để thu hút FDI. Tương tự, Ấn Độ, quốc gia có dân số gấp 12 lần Việt Nam, cũng chưa thể vận dụng tốt “quân bài dân số” của mình.

(theo EurAsian Times)

Tác giả bài viết: Trần Hải Yến

Nguồn tin: napc.vn

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây