Khởi sắc trong thu hút đầu tư FDI: Nghệ An như 'trái cây vừa đến lúc chín'

Thứ sáu - 16/12/2022 03:28 0

Những năm gần đây, Nghệ An đã trở thành một trong những tỉnh được nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm, lựa chọn là điểm “dừng chân” hàng đầu với những dự án lớn. Đây vừa là cơ hội lớn để Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá trong cả nước nhưng cũng là thách thức lớn với chính quyền tỉnh Nghệ An. Đáng vui mừng, trong năm 2022, Nghệ An trở thành tỉnh lọt vào TOP 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) lớn nhất. Đến nay, Nghệ An ghi nhận 935 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài. 
Phía sau dòng vốn đầu tư nói chung, đặc biệt là dòng vốn FDI được thu hút về là những sự nỗ lực không ngừng của tỉnh từ cấp lãnh đạo cao nhất đến hệ thống chính trị theo hướng đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để “dọn ổ” đón “đại bàng”.
Để có thêm những góc nhìn đa chiều, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Duy Đông, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An.
Nỗ lực và đổi mới của toàn hệ thống chính trị
PV: Xin ông cho biết để có được thành quả như hiện nay, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh đã có những nỗ lực và đổi mới như thế nào?
Ông Bùi Duy Đông: Thành quả của công tác xúc tiến đầu tư thật sự lại nằm ở gốc rễ sâu xa của những nỗ lực và đổi mới của toàn hệ thống chính trị trong tỉnh trên những lĩnh vực khác. Toàn tỉnh đã có những sự chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết cho nhà đầu tư gia nhập thị trường Nghệ An, để thu hút các nhà đầu tư FDI đến với tỉnh. Việc thúc đẩy xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng phục vụ công nghiệp theo tôi là quan trọng nhất.
Về nỗ lực trong hoạt động xúc tiến, cần nhìn lại thời điểm cách đây hơn 2 năm, khi mà lãnh đạo tỉnh và toàn hệ thống chính trị đã ưu tiên, quyết liệt cho công tác xúc tiến đầu tư. Kết quả của những nỗ lực ấy là ngày 13/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 509/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An với sứ mệnh và tầm nhìn mới. 

Ông Bùi Duy Đông, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An
Giai đoạn giãn cách xã hội, do ảnh hưởng của dịch bệnh hầu như không có nhà đầu tư FDI nào đến làm việc trực tiếp, phương thức xúc tiến đầu tư truyền thống tê liệt. Trong bối cảnh các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp bị “đóng băng” thì phương thức xúc tiến đầu tư mới được tiến hành. Phương thức xúc tiến đầu tư trực tuyến chuyên đề và trực tuyến với đối tác mang lại những hiệu quả cao hơn kỳ vọng. 
Phương thức mới làm cho hoạt động xúc tiến đầu tư không những không bị gián đoạn mà còn mang lại những lợi thế so sánh. Khởi đầu từ các cuộc làm việc giữa tỉnh với các nhà đầu tư trong nước bằng hình thức trực tuyến, giữa tháng 5/2021, UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến với lãnh đạo Cục hợp tác đầu tư Đài Loan để xúc tiến đầu tư mời gọi các nhà đầu tư Đài Loan vào Nghệ An; tiếp đó, tỉnh cũng tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến giữa Việt Nam với với Nhật Bản qua đó bước đầu tiếp cận, giới thiệu được với các nhà đầu tư mới giàu tiềm năng. 
Trong những giai đoạn không bị hạn chế về giãn cách xã hội, những người làm công tác xúc tiến đầu tư chủ động tìm kiếm, tăng cường tiếp xúc, nỗ lực hỗ trợ từng nhà đầu tư. Bên cạnh những nỗ lực xúc tiến đầu tư với đối tác mới, hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ (tư vấn, hỗ trợ các nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại Nghệ An) cũng là một trong những hoạt động hiệu quả trong thu hút đầu tư. Nhờ vậy các dự án đầu tư theo cả loại hình và tổng vốn đầu tư đều ngày càng gia tăng.
PV: Những khó khăn, thuận lợi khi các nhà đầu tư nước ngoài ký kết và triển khai các dự án lớn tại địa bàn tỉnh?
Ông Bùi Duy Đông: Về khó khăn do lịch sử để lại, trong quá khứ, các định kiến về khó khăn khi đầu tư vào Nghệ An là khá phổ biến do tỉnh chưa ký kết được nhiều dự án lớn trên địa bàn. Định kiến này khiến cho việc thu hút các nhà đầu tư, ký kết thêm các dự án gặp nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn vừa qua, công tác quy hoạch của một số địa phương trong tỉnh đang ở giai đoạn triển khai, nhiều địa phương chưa hoàn tất, nên sự sẵn sàng đưa đất đai vào sử dụng đang gặp khó khăn tại một số địa phương.
Nghệ An tuy được Trung ương hỗ trợ về chính sách thông qua các nghị quyết, nhưng việc triển khai thực tế vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên chưa phát huy được các lợi thế về mặt chính sách, và vì vậy chưa có lợi thế so sánh so với các tỉnh thành khác. 
Tại một số dự án, một số lĩnh vực vẫn còn tỉnh trạng "tỉnh mở Sở thắt", khiến cho tỉnh thần phục vụ và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh đôi chỗ chưa xuyên suốt xuống đến tận từng hành động cụ thể của các chuyên viên, tạo ra rào cản đối với nhà đầu tư.


Lễ ký kết hợp tác trong công tác đánh gía năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

Từ những khó khăn và hạn chế đó, chính quyền địa phương đã tháo gỡ với quan điểm chính quyền phục vụ của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, nhà đầu tư được hỗ trợ xuyên suốt từ lúc khảo sát, lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, thực hiện thủ tục hành chính, triển khai đầu tư xây dựng cho đến khi dự án đi vào hoạt động. Môi trường này tạo tiền đề rất thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án tại địa bàn tỉnh.
Tiềm năng về địa lý, ưu thế về dân số và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương tạo ra lợi thế lớn cho tỉnh. Cụ thể Nghệ An có giao thông thuận lợi, hạ tầng đồng bộ (hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; có cụm cảng biển quốc tế, khu công nghiệp với hạ tầng hoàn thiện); Khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ; Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và chi phí lao động đang thấp hơn so với Khu vực phía Bắc và Nam. Các tiềm năng này là yếu tố cơ bản để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Nghệ An như "trái cây vừa đến lúc chín"
PV: Theo ông thì Nghệ An có điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài thích thú lựa chọn là điểm đến, đầu tư?
Ông Bùi Duy Đông: Mỗi một nhà đầu tư có một lý do riêng để đến với Nghệ An. Theo quan điểm cá nhân tôi, điểm khác biệt của Nghệ An khiến đa số nhà đầu tư nước ngoài thích thú lựa chọn Nghệ An chủ yếu đến từ một số các yếu tố như sau.
Thứ nhất, hiện nay Nghệ An như “trái cây vừa đến lúc chín”, theo ngôn ngữ kinh tế học là có lợi thế so sánh động. Các yếu tố tiềm năng trước đây đang tích lũy về lượng, chưa đạt được sự tới hạn để chuyển biến về chất, nhưng nay là thời điểm mà sự chuyển biến về lượng tạo ra sự thay đổi về chất. Các nỗ lực chuẩn bị của tỉnh đã đạt được thành tựu như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp; đặc biệt, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ người lao động trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp đang trên đà gặt hái những kết quả. Các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng đã phát huy vai trò để tạo ra sự sẵn sàng cho các nhà đầu tư nước ngoài chọn Nghệ An làm điểm đến.


Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án cho Nhà đầu tư Goertek

Thứ hai, Nghệ An là tỉnh có dân số đứng thứ tư cả nước, trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, lượng lớn người lao động xa quê có nhu cầu làm việc gần nhà, tạo ra nguồn cung lực lượng lao động qua đào tạo dồi dào. Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng đa phần diện tích là đất nông nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, tiềm năng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp còn nhiều. Với tiềm năng về đất đai và lao động như vậy, lại đang ở thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, dư địa để phát triển công nghiệp tại Nghệ An là rất lớn, đủ hấp dẫn để các nhóm nhà đầu tư nước ngoài chọn là điểm đến.
Thứ ba, Nghệ An đang được lãnh đạo bởi những con người năng động, quyết liệt, luôn trăn trở về công tác thu hút đầu tư, luôn cam kết xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai, tháo gỡ các vướng mắc của các dự án FDI. Điều này tạo ra niềm tin để các nhà đầu tư nước ngoài chọn Nghệ An.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về hành trình Nghệ An từ một tỉnh khá ít về dự án đầu tư nước ngoài, và đến năm 2022 lại nằm top 10 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài?
Ông Bùi Duy Đông: Về hành trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh, cá nhân tôi thấy có thể tạm chia ra làm 2giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là giai đoạn thụ động chờ Nhà đầu tư đến với tỉnh, giai đoạn thứ hai là giai đoạn chủ động xúc tiến đi tìm nhà đầu tư về với tỉnh. Năm 2020 là bản lề giữa hai giai đoạn này, là khi mà những lãnh đạo của Nghệ An sau những sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã đề xuất và Thủ tướng quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch. 
Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ năm 2004, Nghệ An thu hút được dự án FDI đầu tiên. Đến năm 2015 với tổng mức đầu tư 5,3 triệu USD. Đến hết năm 2015, Nghệ An đã thu hút được 75 dự án FDI, trong đó có 58 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 1.637,76 triệu USD. Ở giai đoạn này, chưa có dự án mang tính động lực phát triển, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực chế biến chế tạo, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và các ngành lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh từ các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Điểm nổi bật của giai đoạn này là thu hút được dự án Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An của liên doanh Semcorp (Singapore) và tập đoàn Becamex IDC (Việt Nam) - dự án quan trọng, làm tiền đề kéo theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp đầu tư vào Nghệ An.


Khu công nghiệp WHA

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ năm 2020, có được những nền tảng của công tác thu hút đầu tư giai đoạn thứ nhất cộng thêm với những thành tựu của hai năm nỗ lực không mệt mỏi, công tác thu hút đầu tư đã có những thành tựu vượt bậc với tốc độ tăng trưởng về thu hút đầu tư ngoạn mục. Trong vòng hơn 2 năm qua, hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã được thu hút vào tỉnh, Chỉ tính riêng đầu năm cho đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư FDI vào tỉnh đã đạt 935 triệu USD, trong đó có 4 tên tuổi lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ đã tham gia vào Nghệ An là Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT. Những tên tuổi lớn tham gia đầu tư vào tỉnh là bảo chứng cho môi trường đầu tư FDI tại Nghệ An. Đây là tiền đề cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh thời gian tới. 
Bên cạnh công tác thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh có chủ trương 5 sẵn sàng, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ đã tạo ra chuyển biến rõ rệt trong toàn bộ hệ thống chính trị. Việc hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040, xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, mở rộng KKT Đông Nam lên khoảng 80.000 ha… Nghệ An đang khẳng định được sự sẵn sàng trong thu hút FDI.
Ngoài ra, việc ưu tiên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã mang lại những hiệu quả kép, bên cạnh hiệu quả của việc đầu tư vốn FDI vào tỉnh của những nhà đầu tư này, thì họ còn kêu gọi được thêm các nhà đầu tư FDI khác. Các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… đã đóng vai trò lớn trong việc đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… 
Có thể nói, hành trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một hành trình quyết liệt được thực hiện bởi tập thể những con người trăn trở với thu hút đầu tư, nhưng cũng là một hành trình lặng lẽ ít ai nhìn thấy quá trình.
PV: Theo ông, để có tăng trưởng tốt kinh tế của cả tỉnh, việc thu hút đầu tư nước ngoài là điều hết sức quan trọng, với những tỉnh thuộc diện “truyền thống”, quen thuộc với các nhà đầu tư nước ngoài thì không quá là khó khăn, nhưng với Nghệ An, câu chuyện này dường như lại là nan giải, bài toán khó để khiến nhà đầu tư nước ngoài thấy được cái lợi mà triển khai đầu tư. Vậy Nghệ An đã giải bài toán này như thế nào?
Ông Bùi Duy Đông: Theo tôi, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài về với tỉnh phải hội tụ được hai điều kiện, là điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần để nhà đầu tư đến là sự sẵn sàng về đất đai và lao động. Điều kiện đủ để nhà đầu tư lựa chọn là hiệu quả cao và rủi ro thấp.
Về điều kiện cần, tỉnh đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ: đất đai sẵn sàng, đào tạo lao động, cơ chế cởi mở.
Sẵn sàng về đất đai và sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu: Hiện tỉnh đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Ngoài ra, Nghệ An cũng tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội như khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế. 


Khu công nghiệp WHA Nghệ An cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài

Sẵn sàng về nguồn nhân lực: Với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo; hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với 17 trường đại học, cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề.
Về điều kiện đủ, rủi ro về thời gian thực hiện và rủi ro do vướng mắc không lường trước là các rủi ro chính của các nhà đầu tư. 
Để giảm rủi ro về thời gian, Nghệ An đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung chuyển đổi số, thúc đẩy chính quyền số, chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh. Tập trung rà soát để tăng số lượng các TTHC có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế để người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan chính quyền; tăng tỉnh thân thiện và cải cách mạnh chất lượng phục vụ của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Để giảm rủi ro về các vướng mắc không lường trước, tỉnh quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thực hiện: Văn Bình

 

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây