Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An

https://napc.nghean.gov.vn


Nghệ An: Sản phẩm OCOP rộng đường xuất khẩu

Nghệ An có 115 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, gồm 77,4% sản phẩm đạt 3 sao và 22,6% sản phẩm đạt 4 sao. Thông qua chương trình "Mỗi xã, phường một sả...
Nghệ An: Sản phẩm OCOP rộng đường xuất khẩu
Nghệ An có 115 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, gồm 77,4% sản phẩm đạt 3 sao và 22,6% sản phẩm đạt 4 sao. Thông qua chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) nhiều làng nghề nông thôn ở Nghệ An được mở rộng, một số sản phẩm được nâng cao chất lượng, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Động lực từ "tấm hộ chiếu" OCOP

Với những thành công bước đầu, chương trình OCOP của tỉnh Nghệ An đang được siết chặt, chuẩn hoá chất lượng để sản phẩm đủ mạnh. Các sản phẩm OCOP được đánh giá có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh...

Tuy nhiên, trong bối cảnh nông nghiệp địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp cùng những tác động từ thời tiết, biến động thị trường thì việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu còn tồn tại nhiều nút thắt.

Nghệ An: Sản phẩm OCOP rộng đường xuất khẩu
Sản phẩm rau mùi ở xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu), được gắn 3 sao của chương trình OCOP năm 2020 và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện địa phương đã xuất khẩu rau mùi tàu với giá 25.000 - 27.000 đồng/kg, trong khi bán trên thị trường trong nước chỉ có10.000 đồng/kg

Chính vì thế, việc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP là mong mỏi của hầu hết các doanh nghiệp. Ðáp ứng nhu cầu này, ông Nguyễn Văn Nam - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết Trung tâm đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, các DN mở rộng các kênh tiêu thụ OCOP. Các doanh nghiệp được gắn sao OCOP như là định danh cho sản phẩm, vững tin chinh phục các thị trường khó tính...

Thời gian tới, ngoài việc tổ chức triển lãm, trưng bày quảng bá các sản phẩm OCOP, Trung tâm sẽ phối hợp với nhiều đơn vị để giới thiệu mặt hàng, sản phẩm OCOP trên các trang mạng xã hội, kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến như dùng công nghệ số như livestream kết hợp với các đơn vị truyền thông, thông qua các sàn thương mại điện tử…qua đây có thể kết nối sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng. Cùng với đó sẽ hỗ trợ các DN, hợp tác xã đưa sản phẩm có chất lượng của mình vào các chuỗi các siêu thị, đại lý và các chợ truyền thống để vừa bán sản phẩm vừa quảng bá thương hiệu.

Vừa qua, có khá nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh nghệ An xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhiều DN đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, tiến đến mở rộng thị trường xuất khẩu. Như sản phẩm rau mùi ở xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu) được sản xuất theo VietGAP, đảm bảo an toàn từ khâu nhân giống đến trồng và chăm sóc.

Bà Đinh Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho hay, sau khi sản phẩm rau mùi tàu đạt 3 sao OCOP năm 2019, địa phương đã nỗ lực quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Mới đây, thông qua một công ty chuyên xuất khẩu, rau mùi tàu Diễn Thái đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi tuần 1 chuyến.

Từng bước chinh phục thị trường khó tính, sản phẩm Nước mắm Tân Hội của Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản và Dịch vụ Cửa Hội (TX Cửa Lò) năm 2020 được chứng nhận OCOP đạt 4 sao, đã cho ra 3 nước mắm cốt cá cơm nguyên chất, nước mắm nhỉ và nước mắm siêu hạng.

Ông Trần Đức Tiềm – Giám Đốc Công ty CP chế biến Thủy sản và dịch vụ Cửa Hội chia sẻ với PV Báo Công Thương, những năm nay việc đa dạng hoá sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng phải gắn với đầu tư để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để đảm bảo hương vị nước mắm thơm ngon, Công ty đã lựa chọn nguyên liệu hết sức kĩ càng, tuân thủ tỉ mỉ quá trình ủ nước mắm, vì vậy nước mắm Tân Hội luôn đảm bảo chất lượng và uy tín, khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường trong nước đáp ứng những tiêu chí khắt khe của các thị trường mới. Ngoài thị trường truyền thống trong nước sản phẩm của Tân Hội đã đến được với thị trường các nước như Lào, Thái Lan, Trung Quốc…

Có thể thấy Nghệ An là tỉnh có nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm địa phương, nhưng số lượng làng nghề có sản phẩm độc đáo, có uy tín trên thị trường chưa nhiều, các doanh nghiệp làng nghề còn lúng túng trong tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được chú trọng triển khai với việc tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối, nhưng nhìn chung còn manh mún, thiếu đồng bộ. Vì vậy, các làng nghề gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại, các DN sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua các khách du lịch nước ngoài.

OCOP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Với mong muốn mang sản phẩm dầu gội đầu thảo dược truyền thống xuất khẩu sang các nước tiên tiến - Công ty TNHH Thương mại Hà Duy Minh (huyện Đô Lương) đã xây dựng quy trình sản xuất dầu gội tự nhiên đạt chất lượng cao. Theo bà Nguyễn Thị Hà- giám đốc công ty, từ khi được chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020, các sản phẩm của công ty hiện đã có mặt ở nhiều địa phương trên cả nước như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quy Nhơn, Vũng Tàu… và được đưa vào một số kênh siêu thị bán lẻ hiện đại. “các sản phẩm như dầu gội, tinh dầu sả, nước lau sàn, và dung dịch tinh dầu bưởi xịt tóc, với 100% từ thảo dược với nguồn nguyên liệu sạch năm vừa qua đã tìm được đường xuất khẩu…”.

Nghệ An: Sản phẩm OCOP rộng đường xuất khẩu

Những lô hàng của công ty TNHH Thương mại Hà Duy Minh chuẩn bị lên đường sang Singapore

Thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP, công ty đã liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con ở địa phương, giải quyết việc làm cho 10 lao động. Ngoài ra, công ty cũng đang hợp tác với một số đối tác thương mại để xuất sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Chia sẻ về con đường xuất khẩu, Chị Hà háo hứng "tuy dịch bệnh kéo dài nhưng sản phẩm của công ty luôn được chào bán trên các kênh thương mại điện tử, nên không chỉ khách hàng trong nước mà ở Singapore khách hàng cũng bắt đầu tin dùng. Từ đầu năm đến nay công ty đã xuất được 3 chuyến chính ngạch, tiểu ngạch là 7-8 chuyến…sắp tới công ty còn chuẩn bị xuất thêm chuyến nữa vào cuối tháng này. Ngoài Singapore sắp tới công ty còn xúc tiến qua thị trường Hàn Quốc và Đài Loan…", chị Hà tự tin.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Nghệ An đã giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, để người tiêu dùng địa phương, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, từ thực tế hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua cho thấy, các đơn vị sản xuất mặt hàng này có rất ít chỗ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng cũng như các đầu mối tiêu thụ. Do đó, Sở Công Thương sẽ khảo sát các địa điểm để làm điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Việc hình thành các điểm bán sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP, trở thành địa chỉ tin cậy khi người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng các sản phẩm OCOP.

Ngoài các điểm bán cố định, các DN cũng có nhu cầu được đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích để có kênh tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không phải dễ. Ông Trần Công Việt - Giám đốc siêu thị MM mega market cho biết, hệ thống siêu thị MM mega market ở Nghệ An trong thời gian vừa qua, luôn là đầu mối cho các sản phẩm OCOP ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu nhiều giấy tờ quan trọng như truy xuất nguồn gốc, chứng từ mua bán… Do đó, rất khó kết nối vào các siêu thị và chuỗi bán lẻ.

Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An cho biết, để khắc phục vấn đề này, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP hoàn thiện thủ tục hành chính... bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối. Ðồng thời, Sở cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, các hội chợ, triển lãm…khi tình hình dịch ổn định hơn.

Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến 2025 có 5 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao để tiến tới thuận lợi hơn trên con đường xuất khẩu. Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, và nhất là khi tham gia xuất khẩu.

Hoàng Trinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây