Nghệ An công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND các huyện

Thứ năm - 05/10/2023 05:11 0

Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông cùng dẫn đầu khối sở, ban, ngành. Khối địa phương, huyện Nghi Lộc dẫn đầu bảng xếp hạng. 

Chiều 5/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND cấp huyện; đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Nghệ An và các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp tỉnh.

bna_IMG_7130.jpg
Toàn cảnh hội nghị công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022. Ảnh: Phạm Bằng

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022. Đây là năm đầu tiên tỉnh Nghệ An tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương.

Kết quả DDCI Nghệ An năm 2022 dựa trên tổng hợp ý kiến của 2.123 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo 2 hình thức điều tra, khảo sát trực tiếp và trực tuyến; trong đó 855 phiếu đánh giá khối sở, ban, ngành và 1.268 phiếu đánh giá khối địa phương.

bna_IMG_7161.jpg
Đơn vị tư vấn báo cáo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022. Ảnh: Phạm Bằng

Bộ Chỉ số DDCI khối sở, ban, ngành gồm 8 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệu lực thiết chế.

Kết quả DDCI khối sở, ban, ngành chia thành 2 nhóm: Nhóm A gồm 12 đơn vị có đối tượng phục vụ chính là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này lớn và đáng kể.

Nhóm B gồm 11 đơn vị có đối tượng phục vụ chính không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này ở mức độ thấp hơn.

a2.jpg
Bảng xếp hạng DDCI năm 2022 khối sở, ban, ngành thuộc nhóm A. Ảnh: Phạm Bằng

Tại nhóm A, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu bảng xếp hạng với 79,34 điểm; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xếp thứ 2 với 79,03 điểm; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam xếp thứ 3 với 77,89 điểm và xếp cuối nhóm là Cục Thuế với 75,01 điểm.

Tại nhóm B, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng với 81,76 điểm; Sở Tư pháp xếp thứ 2 với 81,46 điểm; Sở Văn hoá và Thể thao xếp thứ 3 với 81,10 điểm; xếp cuối nhóm là Sở Khoa học và Công nghệ với 76,48 điểm.

a3.jpg
Bảng xếp hạng DDCI năm 2022 khối sở, ban, ngành thuộc nhóm B. Ảnh: Phạm Bằng

Trong khối sở, ban, ngành, các chỉ số thành phần có điểm tích cực, gồm: Chi phí không chính thức; Chi phí thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin. Các chỉ số thành phần cần được cải thiện, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Hỗ trợ sản xuất kinh doanh; Cạnh tranh bình đẳng.

Ở khối địa phương, bộ Chỉ số DDCI gồm 9 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự; Tiếp cận đất đai.

a1.jpg
Bảng xếp hạng DDCI năm 2022 khối địa phương. Ảnh: Phạm Bằng

Kết quả, huyện Nghi Lộc dẫn đầu bảng xếp hạng với 85,43 điểm; thị xã Hoàng Mai xếp thứ 2 với 83,46 điểm; huyện Tương Dương xếp thứ 3 với 81,26 điểm. 3 vị trí cuối bảng lần lượt là huyện Quỳ Hợp với 70,14 điểm; huyện Quỳ Châu với 68,67 điểm; huyện Hưng Nguyên với 67,64 điểm.

Trong khối địa phương, các chỉ số có điểm số tương đối tích cực, gồm: Chi phí không chính thức; Hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự; Cạnh tranh bình đẳng. Các chỉ số cần cải thiện, gồm: Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; Chi phí gia nhập thị trường; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tại Nghệ An đo lường cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng công tác điều hành kinh tế, quản trị công của các sở, ban, ngành và các địa phương đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh tế thông qua các một hệ thống các chỉ số và chỉ tiêu, từ đó nhận biết các vấn đề và biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư của tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế.

Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã không phản ánh toàn bộ các mặt về mức độ và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của một sở, ban, ngành hay địa phương mà chỉ từ góc độ điều hành, quản trị công liên quan tới doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đóng góp cho môi trường kinh doanh của tỉnh. Cải cách hành chính hay tính tiên phong của lãnh đạo chỉ là những khía cạnh trong nội dung đánh giá bên cạnh tính minh bạch, chi phí không chính thức, hiệu quả thực thi pháp luật…
 

nguồn: Phạm Bằng (Baonghean.vn)
 

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây