13 địa phương dự Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 tại Hà Tĩnh

Thứ ba - 17/08/2021 03:50 0
Tham dự khai mạc Liên hoan có Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Lê Anh Tuấn - Trưởng ban Tổ chức Liên hoan; Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Công Trung và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
 
Phát biểu khai mạc Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Lê Anh Tuấn - Trưởng ban Tổ chức Liên hoan khẳng định, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp (năm 2009), cộng đồng người Việt đã nỗ lực hoạt động để bảo vệ di sản quý giá này. Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 là một trong những giải pháp tích cực nằm trong kế hoạch bảo vệ di sản mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện trong hồ sơ đệ trình lên UNESCO.
 
Liên hoan lần này có 88 tiết mục sẽ được hơn 300 nghệ nhân, diễn viên thể hiện của các đơn vị thuộc 13 tỉnh, thành có di sản Ca trù: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên,Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TP. HCM. Mỗi đơn vị tham gia Liên hoan phải dự thi phần nội dung bắt buộc và phần nội dung không bắt buộc.
 
Nội dung chương trình bắt buộc là mỗi đoàn xây dựng một chương trình tham gia Liên hoan với tổng thời lượng quy định trong đó phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách quy định bắt buộc, 1 tác phẩm của Nguyễn Công Trứ. Phần còn lại của chương trình bắt buộc, các đơn vị dự thi có thể tự chọn những tiết mục, thể cách, bài bản mang phong cách vùng miền thể hiện nét đặc trưng độc đáo của địa phương.
 
Ngoài ra, Liên hoan lần này khuyến cáo các đơn vị tham gia dự thi phần nội dung chương trình không bắt buộc. Đây là phần thi mang tên Tài năng Ca trù 2018 dành cho các đối tượng là Quan viên, Đào nương và Kép đàn. Với các Đào nương sẽ có phần bốc thăm và trình bày 2/8 thể cách/ bài do Ban tổ chức quy định. Mỗi Đào nương được bốc thăm 3 lần và được quyền lựa chọn 2/3 thể cách đã bốc thăm để trình diễn. Các Kép đàn dự thi phần Tài năng Ca trù phải trình diễn liên hoàn 3 khổ đàn, đệm cho một bài Hát nói và đệm cho 1/3 điệu ngâm xướng tự do. Trong khi đó, với các Quan viên dự thi phải trình diễn đủ 5 khổ trống: Chính diện, Xuyên tâm, Lạc nhạc, Quán châu, Thượng Mã kèm theo giới thiệu vị trí của các khổ trống trong bài hát, cách đánh các khổ trống đó trước khi trình diễn và sẽ cầm chầu cho 1 bài Hát nói của Nguyễn Công Trứ.
 
 
 Tiết mục của đoàn ca trù Hà Tĩnh
 
Được biết, Ca trù chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" từ tháng 10/2009. Trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm khôi phục, duy trì và phát triển nghệ thuật ca trù. Hiện tỉnh Hà Tĩnh có 2 CLB hoạt động thường xuyên, các nghệ nhân ca trù luôn tâm huyết với nghề, trong đó 3 người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
 
Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 240 năm ngày sinh Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - người có đóng góp lớn trong quá trình phát triển nghệ thuật hát ca trù, cũng chính là dịp để chúng ta tri ân công lao của ông đối với quê hương, đất nước.
 
Sau đêm khai mạc, trong các ngày 2 - 4/11, các đoàn nghệ thuật, CLB sẽ lần lượt trình bày phần thi của mình. Dự kiến, tối 5/11 sẽ công diễn các tiết mục xuất sắc và bế mạc, trao giải cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong liên hoan.
 
Liên hoan sẽ là dịp để các CLB ca trù thể hiện tài năng, tinh hoa của mình và trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm để cùng giữ gìn, bảo vệ và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống quý giá của ông cha. Đồng thời, là cơ hội tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng Ca trù và báo cáo thực trạng, sức sống của Ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại.
Nguồn: baocongluan

Tác giả bài viết: Trần Hải Yến

Nguồn tin: napc.vn

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây