Tiềm năng, thế mạnh và các giải pháp phát triển du lịch Tương Dương

Thứ hai - 17/01/2022 19:45 0

Tương Dương là huyện miền núi của Nghệ An có diện tích lớn nhất tỉnh (281.129,37 ha), hầu hết là rừng núi và rừng nguyên sinh. Từ TP.Vinh đến Tương Dương 200km. Nằm ở vị trí giáp nước bạn Lào, có QL7 đi qua, địa bàn của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pù Huống và khu dự trữ sinh quyển thế giới Pù Mát, Tương Dương là địa bàn chiến lược về kinh tế – văn hoá – an ninh – quốc phòng của Nghệ An.

 Thiên nhiên ưu đãi cho mảnh đất Tương Dương nhiều cảnh quan tự nhiên rất hấp dẫn với dòng suối Nậm Nơn, Nậm Mộ vừa nên thơ vừa gắn với bao huyền thoại; Vườn Quốc gia Pù Mát với những cánh rừng săng lẻ ở xã Tam Đình; Đây là một điểm nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, huyện Tương Dương có khá nhiều di tích - lịch sử, tiêu biểu như đền Cửa Rào (xã Xá Lượng), đền thờ Lý Nhật Quang, hang Thằm Cóng (xã Tam Quang), và hệ thống hang động ở bản Xiềng Lằm (xã Hữu Khuông). Đặc biệt là Đền Cửa Rào từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của đồng bào các dân tộc Tương Dương và du khách gần xa. Mấy năm gần đây, các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân đã thu hút một số lượng lớn khách thập phương đến tham dự lễ hội.
Các đoàn khảo sát du lịch huyện Tương Dương phục vụ công tác xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An
           Huyện Tương Dương có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm: Thái, Khơ Mú, Kinh, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu nên đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc vùng miền. Chiếm số lượng lớn và cư trú rộng khắp, đồng bào Thái ở Tương Dương từ lâu đã có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình, trong đó phải kể đến yếu tố không gian văn hóa. Dân tộc Mông với trang phục hoa văn sặc sỡ cùng điệu múa xòe đặc trưng; Dân tộc Khơ mú với điệu hát Tơm giai điệu rộn ràng…
Ẩm thực của Tương Dương khá hấp dẫn với các món ăn được chế biến bằng nguồn sản vật của địa phương như: cá lăng, cá mát, gà ác, lợn đen,… các loại rau quả như: xoài, cà ngọt, măng đắng, khoai sọ, bí xanh… mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng…
 
 
Tương Dương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái- văn hóa - tâm linh. Tuy nhiên, để biến tiềm năng, lợi thế thành sản phẩm du lịch có sức hút và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là công tác quy hoạch phát triển, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ, nâng cao nhận thức của người dân cho đến chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, công tác quảng bá, bảo tồn tài nguyên cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương…
Tương Dương có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, di sản văn hoá phong phú, đa dạng, giàu bản sắc có thể khai thác phục vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với các bản du lịch có cảnh quan đẹp, có bản sắc văn hóa truyền thống còn được lưu giữ nguyên sơ như: một số bản Thái cổ hiện còn giữ nguyên bản sắc văn hóa của mình với câu lăm, điệu khắp cùng bộ trang phục duyên dáng, gợi cảm như bản Chắn, bản Mac, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Phồng, bản Huồi Tố…
Với dân số hơn 70.000 người gồm 6 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 90,36% (dân tộc Thái 70,66%, Khơ Mú 12,17%, Mông 5,31%, Ơ đu 1,00%, Tày Poọng 0,91%), với những đặc trưng văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng của bức tranh văn hóa Tương Dương, người dân ở đây vẫn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể như: nhà ở, dụng cụ lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển…; và phi vật thể: văn học dân gian, chữ Thái – Lai pao, nghệ thuật biểu diễn, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống…
Tương Dương cần tập trung khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên, đây đang là sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng du lịch an toàn thích ứng với tình hình mới hiện nay. Khai thác một số dịch vụ du thuyền thám hiểm lòng hồ, tham quan các ốc đảo và thưởng thức các loại đặc sản của núi rừng như thịt gà đen, lợn đen, cá mát, cơm lam, măng đắng ở khu vực thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố…đặc biệt lựa chọn điểm đến Rừng Săng Lẻ để đưa và điểm dừng chân theo các tour du lịch kết nối với các địa phương
Với nhiều tiềm năng lợi thế tuy nhiên, Tương Dương cần lựa chọn nội dung nổi bật, trọng tâm để thổi hồn và quảng bá gắn với các tour nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng. Chẳng hạn lựa chọn thương hiệu mang tên Du lịch sinh thái Rừng Săng Lẻ… hay xây dựng những khẩu hiệu khác biệt như Du lịch đến với vùng đất “ba nhất” để gây chú ý trong quảng bá vì lâu nay huyện được biết đến bởi ba cái nhất toàn tỉnh: diện tích lớn nhất, địa hình phức tạp nhất và đông đảo thành phần dân tộc nhất. Lựa chọn di tích lễ hội nổi bật để đưa vào chương trình quảng bá du lịch tâm linh gắn với các tour tuyến trong tỉnh và liên tỉnh, liên vùng. Tập trung thu hút các nhóm du lịch nhỏ, du lịch gia đình ở trong tỉnh, thị trường khách từ các địa phương phụ cận.
Tiếp tục tăng cường phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch của tỉnh để thu hút đầu tư, khảo sát, chọn lọc gắn kết các điểm du lịch của huyện xây dựng các tua, tuyến, gói sản phẩm du lịch để tăng cường quảng bá đến với du khách trong và ngoài nước. Tổ chức các chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để liên kêt, xây dựng chương trình và sản phẩm du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, tư vấn và kết nối các điểm du lịch ở các địa phương miền Tây Nghệ An theo cung đường Con Cuông - Tương Dương - Kỳ Sơn tạo nên các tour du lịch liên huyện, thúc đẩy quảng bá du lịch miền Tây Nghệ An gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... Phối hợp khảo sát, chọn lọc gắn kết các điểm du lịch của huyện xây dựng các tua, tuyến, gói sản phẩm du lịch để tăng cường quảng bá đến với du khách trong và ngoài nước. Hướng dẫn xây dựng phát triển du lịch cộng đồng gắn với điểm du lịch rừng Săng Lẻ... Tổ chức các chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để liên kết, xây dựng chương trình và sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện Tương Dương trong thời gian tới.

Các đoàn famtrip khảo sát du lịch Rừng Săng Lẻ 
Trong xu hướng hiện nay, để sớm phát huy được tiềm năng du lịch của huyện, Tương Dương cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Kết hợp với các chương trình của tỉnh, các cơ quan đơn vị đối tác truyền thông để liên kết quảng bá du lịch qua các sự kiện hội chợ, tổ chức các roadshow, đón các đoàn famtrip du lịch. Đặc biệt, chủ động quảng bá qua môi trường mạng xã hội, các chương trình tham quan trực tuyến...đồng thời thu hút các nhà đầu tư chất lượng về đầu tư để tạo ra các dịch vụ du lịch đi kèm chất lượng. Xây dựng website mạng xã hội, xây dựng App du lịch , video clip, tập gấp ấn phẩm điện tử quảng bá cho địa phương.
 

Nguồn tin: Vương Bằng (NAPC)

  Ý kiến bạn đọc

ĐỐI TÁC - DOANH NGHIỆP - LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây